Làm nghề bảo vệ buồn vui song hành – Gian nan và hãnh diện
Trong thế giới muôn nghề, nhân sinh bách nghệ, nghề nào cũng có cái hay cái dở, nghề bảo vệ cũng không ngoại lệ.
Chấm than (!) vui nhận chữ chi “之”
Làm nghề bảo vệ khác gì “Công An”
Luân phiên canh gác địa bàn.
Thâm niên mới rõ kẻ gian, người hiền!
Ông Phạm Minh Việt – Giám đốc Công ty bảo vệ Phát Minh Vượng (Bảo vệ PMV) vui vẻ giãi bày với tạp chí Doanh Nhân Ngôi Sao Việt về cái nghề mà ông đã yêu nó hơn 10 năm nay.
Một vài mẩu chuyện vui nho nhỏ PMV xin kể lại:
Câu chuyện 1: Bảo vệ tại nhà máy
– Nhân viên của tôi khoe với tôi rằng: “Sếp ạ! Ngày nào em cũng buộc phải “ngắm” 9000 bộ ngực, 9000 cặp đùi, 9000 cái eo chị em phụ nữ”. Tôi nói ngay “nếu em mà ngắm không kỹ là chúng ta mất việc cả đấy!”. Chả là, các nhân viên bảo vệ thì phải quan sát để phòng ngừa công nhân chôm chỉa hàng may mặc giấu trong người, mà một công ty may có 9000 chị em phụ nữ là chuyện bình thường!
Không dám vơ đũa cả nắm, nhưng quả thật một số công nhân có tính táy máy, hay lợi dụng giấu tài sản vào người nhất là hàng mày mặc, các công ty sản xuất thuê dịch vụ bảo vệ cũng vì mong muốn để có thể giảm bớt sự mất mát đó thôi.
Lăn mình vào cuộc đảo điên
Thói thường ai chẳng vì tiền lụy thân!
Loanh quanh Nhà Máy xa gần
Xử nghiêm thì bị công nhân nguýt lườm!
Câu chuyện 2: Bị công nhân chửi là chuyện thường
Nghề bảo vệ nhìn tưởng oai lắm, đồng phục trang nghiêm, nhìn như Công An xịn. Ấy vậy mà hàng ngày bị công nhân họ chửi là chuyện bình thường.
Công nhân đi trễ nhắc họ họ chửi! Thấy nghi nghi yêu cầu họ dừng lại kiểm tra, mà xui xẻo kiểm tra lại không thấy gì là y như rằng bị chửi!, nhưng không kiểm tra cũng không được vì mất mát xảy ra là phải bồi thường cho khách hàng! Thế nên, khách hàng thì chiều công nhân mà không kỷ luật (vì đâu cũng đang thiếu người làm), trong khi bảo vệ thì được yêu cầu phải duy trì nội quy trật tự, từ đó nảy sinh bản tình ca, chị em đi làm muộn vào cổng không được: chửi!, đi vệ sinh tranh thủ tụ tập “buôn dưa lê” bị nhắc nhở: chửi!, táy máy “nhặt” đồ của công ty bị phát hiện cũng… chửi!, và muôn vàn cái chửi khác nữa! Lập báo cáo gửi lên lãnh đạo của các khách hàng thì luôn nhận được câu khen ” tốt lắm!” rồi báo cáo cũng để đó chẳng nhắc nhở gì công nhân, chẳng kỷ luật công nhân vì Nhà máy đang thiếu lao động, thế là hôm sau bảo vệ lại tiếp tục nghe công nhân chửi!
Câu chuyện 3: Làm nghề bảo vệ buồn vui song hành
Đêm ngày giãi nắng dầm sương
Tan ca mới biết thiên đường xa xôi…
Nghề nào cũng bạc cả thôi!
Làm nghề bảo vệ buồn vui song hành !*
Cái ý buồn vui song hành ở đây là có vui có buồn. Buồn thì như đã nói, còn vui thì cũng đôi lúc vui đáo để, nhất là những khi làm được những việc kha khá cho khách hàng mà đặc biệt liên quan đến các chị em công nhân, bởi cái nghề này, việc gì cũng đến tay. Ngoài nghiệp vụ an ninh trật tự, ngộ nhỡ có chị em công nhân ốm ngất… đã có bảo vệ “khiêng” đi cấp cứu. Một số chị em bầu bì hoặc ốm yếu thì bảo vệ lấy xe ra tận nơi để nhận được một nụ cười toe toét “cám ơn anh”. Thậm chí bảo vệ còn kiêm cả việc bơm xe khi chẳng may xe em bị xì hơi rồi. Hàng xuất nhập kho lúc cao điểm, thiếu người bốc vác… đã có bảo vệ. Bơm nước, tưới cây kiểng đôi khi bảo vệ làm luôn! Thế nhưng nếu chẳng may những lúc xảy ra cháy nổ, trộm cắp hay ẩu đả trong nhà máy thì việc quy trách nhiệm đầu tiên cũng … chính là bảo vệ. Khổ thế chứ.
Bảo vệ PMV đang kiểm soát Công nhân ra ca tại một Nhà máy.
Kết luận:
Thôi thì mỗi nghề một nghiệp. Điều quan trọng là các nhân viên bảo vệ vẫn có niềm tự hào vì được ví như cánh tay nối dài của lực lượng an ninh Quốc Gia. Một cái nghề mà hàng ngày gìn giữ được an ninh, tài sản cho khách hàng góp phần vào việc giữ gìn an ninh trật tự chung cho xã hội thì không thể không tự hào. Niềm vui của chúng tôi là mỗi ca trực được an toàn và sự hài lòng tin tưởng của các khách hàng hiện nay.
Thanh Hằng
TẠP CHÍ DOANH NHÂN NGÔI SAO VIỆT
* Tất cả những vần thơ trên là Bài thơ Nhân Sinh Bách Nghệ – Do nhà thơ Kiều Văn Phẩm – Hôi viên Hội văn học Nghệ thuật Đồng Nai đã viết tặng riêng Công ty bảo vệ PMV.